Công việc thu gom rác thải chẳng phải là công việc nhẹ nhàng và nhàn hạ để ai cũng có thể làm được. Những người đã lựa chọn theo nghề này sẽ luôn phải gắn bó với sự nặng nhọc, độc hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Mang bệnh vẫn gắng đi làm
Một ngày giữa tháng 7.2020, hai ngày sau khi người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh Đỗ Văn Thơm – công nhân Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 4 (URENCO 4). Anh Thơm được phân công thu gom rác dọc phố Chùa Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội). Suốt nhiều ngày liền, rác nội đô bị ùn ứ, nhân lực thu gom rác bị thiếu trầm trọng, anh Thơm phải tăng cường làm việc, dù bản thân đang bị zona thần kinh khá nặng.
Giữa trưa nắng, anh Thơm mồ hôi nhễ nhại, nặng nhọc đẩy xe dọc tuyến phố quét và bốc từng đống rác. Thời điểm đó, dù đã cật lực làm cả đêm lẫn ngày, nhưng công việc vẫn không vơi đi chút nào. Suốt hơn 27 năm gắn bó với nghề, anh Thơm chia sẻ, chưa bao giờ anh thấy rác nhiều như vậy. Cứ vừa dọn xong lại thấy rác đã được xả ra trong khi đợi mãi vẫn chưa thấy xe cẩu đến.
Cả ngày miết mải ngoài đường, toàn người bụi bặm, mồ hôi khiến những đốm zona thần kinh trước ngực và sau vai anh Thơm càng phồng rộp. Dẫu biết làm như vậy, sức khoẻ của bản thân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song anh Thơm nói: “Tôi thực sự yêu công việc của mình. Nhìn môi trường xung quanh ngập ngụa rác, bản thân tôi không thể ngồi im”.
Hiểm nguy rình rập
Trước đó, vào tháng 4.2019, chị Lê Thị Hà (SN 1977, trú tại quận Đống Đa, TP.Hà Nội) – nhân viên của Công ty Môi trường xí nghiệp Hà Nội, chi nhánh Đống Đa – bất ngờ bị ôtô đâm trúng dẫn đến tử vong khi đang thu gom rác trên đường Láng. Vì công việc bận rộn, chị Hà rất vất vả để lo cho con cái ăn học nên ban ngày chị chạy xe ôm Grab, tối đi làm công nhân dọn vệ sinh môi trường. Chị cố gắng cật lực những mong cuộc sống của mình và các con tốt đẹp hơn.
Cái chết tức tưởi của chị Hà để lại trong lòng người ở lại nhiều nỗi niềm trăn trở. Và có lẽ, niềm trăn trở ấy nằm phần nhiều ở những người đang làm công việc như chị. Nguy hiểm vẫn luôn thường trực bên cạnh, trong chính công việc họ làm bất cứ lúc nào.
Cũng bị xe đâm trong khi đang làm việc, nhưng anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1990) – công nhân quét rác Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Hai Bà Trưng – may mắn hơn. Sau 2 năm từ ngày bị tai nạn trong quá trình lao động, anh Hải như từ cõi chết trở về và đang phục hồi dần dần.
Căn nhà cũ kỹ của gia đình anh Hải nằm sâu trong xóm Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội). Anh Hải hốc hác, xanh xao ngồi trên xe lăn vì bị liệt nửa người. Bên cạnh anh Hải là người mẹ lam lũ, tần tảo chăm sóc anh trong suốt những năm qua.
Vài năm sau tai nạn lao động, đến nay, anh Hải vẫn đang trong quá trình phục hồi. Bởi cú đâm mạnh của người điều khiển xe máy khiến anh bị chấn thương sọ não và đến nay, một nửa người vẫn bị liệt và giọng nói chưa được rõ ràng. Bố, mẹ anh Hải đã già yếu hiện phải thay nhau chăm lo cho người con bệnh tật.
Mẹ anh Hải cho biết: “Lúc đó là 23h30, Mùng 6 Tết năm 2018, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ công ty là cháu Hải trong quá trình thu gom rác trên đường Kim Ngưu thì bị xe máy đâm vào và phải cấp cứu trong bệnh viện. Bác sĩ kết luận cháu bị chấn thương sọ não và bị thương với tỉ lệ thương tật 80%”.
Hiện nay, mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt được thải ra vẫn tăng lên theo cấp luỹ tiến. Công việc của người công nhân vệ sinh môi trường trở nên vất vả hơn rất nhiều. Chia sẻ về công việc của mình, nhiều công nhân vệ sinh môi trường nói rằng, đã vào nghề này thì phải chấp nhận và có một tình yêu nghề cao gấp nhiều lần bình thường. Họ chỉ biết cố gắng tận tuỵ với công việc và giữ gìn cho mình tốt nhất có thể.
“Ngoài lo duy trì công việc quét dọn và thu gom rác, mắt mỗi công nhân vệ sinh môi trường chúng tôi phải đảo quan sát liên tục để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân. Có người bị xe máy đâm vỡ xương chậu, không sinh được con; có người lại bị chấn thương sọ não để lại di chứng nặng nề… Công việc của chúng tôi vẫn luôn nguy hiểm như vậy” – chị Trần Thị Hảo, Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường phường Dịch Vọng Hậu, tâm sự khi nghe lại câu chuyện về đồng nghiệp của mình.
Nguồn: Báo Lao Động