Trồng rừng năm 2020 ở Phú Yên: Tập trung đầu tư để mang lại hiệu quả cao - Môi trường Nàng Thơm

Trồng rừng năm 2020 ở Phú Yên: Tập trung đầu tư để mang lại hiệu quả cao

Để đạt mục tiêu trồng tập trung khoảng 6.000ha rừng năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ rừng tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị. Hiện công tác trồng rừng năm nay đã được các địa phương và chủ rừng chuẩn bị sẵn sàng.

Trồng rừng ở Phú Yên
Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa chuyển cây giống lâm nghiệp tập kết tại xã Sơn Định để chuẩn bị trồng rừng. Ảnh: ANH NGỌC

Sẵn sàng cho mùa trồng rừng mới

Mùa trồng rừng năm nay đang bắt đầu nên các chủ rừng, các ngành chức năng và địa phương triển khai tích cực, từ khâu phát dọn thực bì đến làm đất, đào hố, bón phân và chuẩn bị cây giống.

Ngay từ đầu năm 2020, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương đôn đốc các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng trồng, tổ chức phát dọn thực bì và dọn vệ sinh rừng ngay sau khai thác để ngăn chặn tình trạng cháy rừng và chuẩn bị hiện trường để trồng lại rừng.

Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, kiểm tra chất lượng nguồn cây giống, hướng dẫn các chủ rừng triển khai trồng đảm bảo đúng kỹ thuật nhằm tăng tỉ lệ cây sống và phát triển tốt.

Ông Trần Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI, cho biết: Diện tích đất lâm nghiệp mà công ty được UBND tỉnh cho thuê và liên kết khoảng 6.708ha để trồng rừng, tập trung chủ yếu ở TX Đông Hòa, các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh và TX Sông Cầu.

Năm nay, công ty đang triển khai trồng lại rừng sau khai thác với diện tích khoảng 630ha ở huyện Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Công ty đã tổ chức phát dọn thực bì, làm đất, đào hố, bón phân và đang tập kết cây giống đến các vị trí chuẩn bị trồng rừng.

Nói chung các khâu chuẩn bị đã xong, chờ có mưa sẽ triển khai trồng, chậm nhất là khoảng giữa tháng 11/2020 sẽ trồng xong. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn cây giống chất lượng, do đó công ty đã chủ động đặt hàng các vườn ươm giống cây lâm nghiệp có uy tín, nhằm chủ động số lượng và cây giống đạt chất lượng hơn.

Còn theo ông Đặng Văn Cần, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, công ty đã chủ động nguồn cây giống chất lượng và huy động nhiều nhân công tập trung để trồng rừng. Năm nay, công ty trồng khoảng 600ha rừng trên diện tích rừng đã khai thác và một số diện tích trồng mới ở các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu, loại cây trồng chủ yếu là keo lai.

Việc trồng rừng sớm hơn sẽ có nhiều thuận lợi nên công ty sẽ trồng ngay đầu mùa mưa nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong các tháng mùa mưa còn lại. Toàn bộ diện tích này được doanh nghiệp trồng theo các tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững FSC, hiện các khâu chuẩn bị đã xong, chờ có mưa sẽ triển khai trồng. Công ty phấn đấu hoàn thành trồng rừng trong khoảng tháng 10/2020.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, tổng số lượng cây giống đã sản xuất để phục vụ trồng rừng năm nay khoảng 25,4 triệu cây, trong đó sản xuất tại địa phương khoảng 20,6 triệu cây và các đơn vị chủ rừng đặt mua ngoài tỉnh khoảng 4,8 triệu cây. Số lượng cây giống chuẩn bị nói trên là đạt số lượng để phục vụ công tác trồng rừng năm 2020 ở Phú Yên.

Các giống cây lâm nghiệp chủ yếu trồng rừng năm nay là keo lai hom, dầu trái, sao đen, giáng hương, keo tai tượng, bạch đàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu các ban quản lý rừng, các doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng khẩn trương phát dọn thực bì, chuẩn bị tốt các khâu làm đất, đào hố, bón phân và chuẩn bị cây giống lâm nghiệp đạt chất lượng để trồng rừng kịp thời vụ. Đến thời điểm này, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã triển khai trồng khoảng 750ha rừng.

Nâng cao giá trị rừng trồng

Theo Sở NN-PTNT, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp ở Phú Yên hơn 276.000ha, trong đó đất có rừng khoảng 205.910ha, gồm rừng tự nhiên gần 126.970ha và rừng trồng khoảng 78.940ha. Kế hoạch năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành trồng rừng tập trung với diện tích khoảng 6.000ha, chăm sóc rừng trồng khoảng 16.600ha, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên khoảng 1.370ha, khoán bảo vệ rừng khoảng 35.325ha, phấn đấu đưa tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 45%.

Ông Lê Văn Bé cho biết: Chi cục Kiểm lâm đã có yêu cầu, hướng dẫn đến các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp trồng rừng chủ động nguồn cây giống có chất lượng, đầu tư kỹ thuật, phân bón và nhân công tập trung trồng dứt điểm ngay từ những tháng đầu mùa mưa để cây trồng có thời gian sinh trưởng và phát triển, nhằm nâng tỉ lệ sống của cây trồng cao hơn.

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Qua kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng năm nay, các chủ rừng, địa phương triển khai rất tốt. Để đảm bảo đạt hiệu quả cho công tác trồng rừng năm nay, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sử dụng giống cây trồng được sản xuất từ nguồn cây trồng lâm nghiệp, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hiện nay, tỉnh có chủ trương khuyến khích phát triển trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn với diện tích khoảng 115ha, trồng mới theo định hướng kinh doanh gỗ lớn hơn 750ha. Tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã chỉ đạo: Để đạt được mục tiêu tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh năm 2020 là 45%, các địa phương, đơn vị và các ngành có liên quan cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng trồng qua việc nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp.

Các địa phương, chủ rừng cần chủ động chuẩn bị đầy đủ cây giống, đảm bảo chất lượng, lựa chọn cây trồng phù hợp và chuẩn bị hiện trường, vật tư để triển khai trồng rừng, trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu dưới tán rừng đúng thời vụ, thời tiết để cây trồng đạt tỉ lệ sống cao và đảm bảo vượt kế hoạch đề ra.

Các đơn vị, địa phương cũng cần quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả rừng, đất rừng, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng.

Các ngành chức năng và địa phương cũng cần chú ý phát triển các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp. 

Các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ tạo giống đến trồng, chăm sóc rừng và tăng cường quảng bá, thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí… từng bước tự chủ được tài chính thông qua nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

Nguồn: baophuyen.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *